Làng nghề chìa khóa

Làng nghề chìa khóa

Ông Đàm Xuân Lệ năm nay đã ngoài thất tuần nhưng đôi tai vẫn còn tốt để nghe tiếng vòng bi, tiếng bánh răng kêu trong ổ khóa của những chiếc két bạc thời xưa. Ông được tôn là cao thủ trong nghề bởi những ngón nghề mở két bạc của ông chưa ai học được. Nhưng theo ông, những ngón nghề đó không còn hợp thời bởi khóa két bạc ngày nay không dùng bánh răng nên việc dùng tai nghe dò số đã… lạc hậu.

Nghe đâu trên thế giới chưa đến chục người có thể làm được điều đó, nhưng những người này thường làm việc tại những nhà máy sản xuất khóa, két bạc nổi tiếng. Những chiếc két bạc thời Pháp ngày xưa có ổ khóa cấu tạo bởi một vòng bánh răng, chỉ cần thính tai và thêm chút kinh nghiệm là có thể nghe âm thanh của mã số khóa khác hẳn âm thanh của những con số khác.

Ông Lệ sinh ra và lớn lên tại làng Tương Chúc, được thừa hưởng toàn bộ những ngón nghề độc từ lớp người cao tuổi trong làng truyền lại. Ông không nhớ nổi mình đã làm ra bao nhiêu chiếc chìa khóa trong hơn 40 năm làm nghề – cái nghề đã nuôi sống ông nhưng cũng làm nên không ít thăng trầm của đời mình.

Năm 1963, cái biệt tài mở khóa của ông đã khiến ông bị công an tỉnh Phú Thọ “hỏi thăm” vì nghi ngờ liên quan đến một vụ trộm. Nhưng ông sớm được giải thoát khỏi sự nghi ngờ khi thủ phạm là chính người nhà của nạn nhân. Ngồi trước mặt tôi, ông khẳng định là chưa bao giờ thấy một thợ khóa bị xử về tội mở khóa ăn trộm.

Làm nghề một thời gian rồi tham gia quân đội, khi hòa bình lập lại ông về sống tiếp với nghề mở khóa. Ông chưa bao giờ phải bó tay trước một chiếc khóa nào, đôi khi chỉ cần hai chiếc giũa xe đạp là ông có thể chinh phục được tất cả những chiếc khóa bi lá của ôtô, xe máy. Theo ông, cái gọi là chìa khóa vạn năng thực chất chỉ là những chiếc chìa khóa được chế sẵn với những rãnh, những răng khóa mang tính chung chung mà các loại khóa thông thường được cấu tạo với những bước bi gần giống nhau.

Hầu hết những thợ sửa khóa lâu năm đều làm cho mình một chùm chìa khóa vạn năng như vậy. Thời ông làm nghề chưa có phôi bán sẵn như ngày nay nên muốn chế tác một chiếc chìa khóa, ông phải làm thêm công đoạn tạo phôi từ những lá tôn mỏng. Sau này hình thành nên một nghề chuyên sản xuất phôi chìa khóa bán cho thợ làm khóa. Theo những tay thợ khóa, loại khóa dùng bi lá như khóa xe máy, ôtô thường rất dễ mở. Những chiếc khóa nhà làm bằng bi tròn khó mở hơn nhiều vì yêu cầu độ chính xác cao hơn.

Hiện trong làng Tương Chúc có khoảng 40 người chuyên sống bằng nghề sửa khóa tại khắp các ngõ phố Hà Nội. Nơi tập trung đông thợ Tương Chúc nhất là khu vực bên cạnh Nhà hát Lớn (khoảng 15 thợ) và trước Cửa hàng bách hóa Thanh Xuân (khoảng mười thợ). Ngoài ra, các tay thợ còn đi nhiều nơi như phố Huế, Hàng Mã, Láng…

Ông Minh, một tay nghề lâu năm đã ngồi mòn không biết bao nhiêu chiếc quần tại khu vực Cửa hàng bách hóa Thanh Xuân cho biết rằng hiện nay nghề này kiếm ăn “hẻo” lắm, cả ngày may mắn lắm cũng chỉ làm được khoảng mười chìa, còn lại toàn ngồi… đọc báo! Thỉnh thoảng lại còn phải chạy công an nữa, nhưng được cái đồ nghề cũng gọn nên chạy cũng nhanh. Khi biết tôi có ý định về Tương Chúc quê ông tìm hiểu, ông đùa: “Về đấy dựng xe cẩn thận! Trẻ con nó cũng mở khóa được, mà khóa xe máy này thì chỉ tốn có 30 giây!”.

 

Khi nhà bạn có bất cứ vấn đề gì về Khóa, thì hãy nhanh chóng gọi cho chúng tôi, chúng tôi sẽ cho người tới nhà bạn làm việc trong thời gian sớm nhất.

Sửa khóa, mở khóa tại nhà Trọng Nghĩa với nhân viên có kinh nghiệm lâu năm, xử lý các tình huống khó về khóa, thợ sửa khóa không ngại khó, mọi lúc mọi nơi tại các quận TPHCM chúng tôi sẽ có mặt trong vòng 15 phút để xử lý.

Hotline : 0989.779.400 (Anh Nghĩa)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *